Với nhiều lý do, việc đầu tư hạ tầng vùng sản xuất muối Hòn Khói, thuộc 4 xã, phường: Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) tiếp tục gặp trắc trở. Trong đó, diện tích làm muối ngày càng bị thu hẹp là nguyên nhân chính.

Vùng sản xuất muối của Khánh Hòa chủ yếu tập trung ở khu vực Hòn Khói, với diện tích khoảng 650ha, trong đó phường Ninh Diêm gần 400ha. Vùng sản xuất muối Hòn Khói có cơ sở hạ tầng manh mún, hệ thống kênh lấy nước biển, đường giao thông còn sơ sài, chủ yếu bằng đất. Do đó, chi phí sản xuất muối của diêm dân luôn ở mức cao. Thậm chí không ít lần, khi hạt muối đã kết tinh, nhưng không có hạ tầng bảo quản, chế biến nên diêm dân mất trắng. Nhiều người phải bỏ nghề, treo ruộng do làm muối không có lời.

images5513002_ha_tang_vung_san_xuat_muoi_hon_khoi_2.jpg (320 KB)

Một góc cánh đồng muối Hòn Khói

Với mục tiêu phát triển ngành muối bền vững, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, trong đó bao gồm đầu tư các công trình hạ tầng. Cụ thể, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phê duyệt dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Hòn Khói. Dự án có tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng, thực hiện việc nạo vét hệ thống kênh chính Cầu Treo; nạo vét và kiên cố hóa 18 kênh nhánh; một số cầu, cống cũng được xây dựng, cứng hóa để phục vụ việc lấy nước biển và đi lại, vận chuyển muối của diêm dân được thuận lợi. Nhưng rồi vì nhiều lý do, dự án này đến nay vẫn chưa được triển khai.


Dự án mới gặp khó


Một trong những nhiệm vụ của Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020 đó là vùng muối Khánh Hòa được đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp; vùng muối Hòn Khói được đầu tư để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối; sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng…


Cụ thể hóa đề án của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025 tại 7 cánh đồng muối ở 7 tỉnh, gồm: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre và Bạc Liêu. Trong đó, tại Khánh Hòa có đồng muối Hòn Khói với diện tích đầu tư 355ha. Dự án này tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông đảm bảo phục vụ sản xuất, vận chuyển muối; hạ tầng thủy lợi, bao gồm việc nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh cấp thoát nước, đê bao, trạm bơm… đảm bảo phục vụ sản xuất muối.


Đầu tháng 7 vừa qua, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị các địa phương, trong đó có Khánh Hòa rà soát lại diện tích quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của địa phương, đối chiếu với chủ trương đầu tư cánh đồng muối đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt nêu trên để bộ xem xét đầu tư.


Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, qua rà soát của thị xã Ninh Hòa và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh, hiện trạng diện tích đất làm muối năm 2021 của thị xã Ninh Hòa là 641ha, quy hoạch đến năm 2030 giảm còn 337ha (làm tròn). Trong 337ha còn lại, diện tích muối sản xuất công nghiệp do doanh nghiệp đã đầu tư là 256ha (Công ty Cổ phần Muối Khánh Hòa); còn khoảng 81ha là diện tích sản xuất muối thủ công do Hợp tác xã 1/5 và các hộ diêm dân xã Ninh Thọ quản lý, sản xuất. So với quyết định được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư vào vùng sản xuất muối tại Hòn Khói là 355ha, hiện chỉ còn hơn 80ha phù hợp với quy hoạch.


Như vậy, diện tích làm muối sẽ không còn quá dồi dào như trước. Cùng với đó, chủ trương đầu tư hạ tầng vào vùng muối sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xem xét. Người làm muối ở cánh đồng muối Hòn Khói vẫn mong muốn Nhà nước sớm thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng, làm cơ sở để nâng cao giá trị hạt muối, đa dạng hóa sản phẩm từ muối, nhất là hiện thực hóa định hướng gắn nghề sản xuất muối với du lịch.

Xem thêm tại: http://muoihonkhoi.com/?page_id=90

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *